Thể chế Anh_giáo

Trái với những gì người ta thường nghĩ, Quân chủ Anh Quốc không phải là "đầu" của giáo hội, mà theo luật là "Lãnh đạo tối cao" của Giáo hội Anh, vua Anh không có vị trí nào trong các giáo hội ngoài nước Anh. Vai trò của vương quyền Anh bị giới hạn vào việc bổ nhiệm các Giám mục, kể cả Tổng Giám mục Canterbury; ngay cả như thế, chính phủ cũng chỉ được giao cho một danh sách đã được chọn lọc trước. Quy trình này luôn cần có sự hợp tác và đồng thuận từ các đại diện của giáo hội.

Một đặc điểm khác của Anh giáo là không có một thẩm quyền toàn cầu nào được công nhận. Toàn bộ ba mươi tám khu vực của Cộng đồng Anh giáo (Anglican Communion) đều tự trị, mỗi khu vực tự chọn thể chế và giới lãnh đạo cho mình. Các khu vực này có thể chọn mô hình giáo hội quốc gia (như Canada, Uganda, hoặc Nhật Bản), hoặc một nhóm các quốc gia (như Tây Ấn, Trung Phi, hoặc Nam Á), hoặc theo đặc điểm địa dư (như VanuatuQuần đảo Solomon), v..v... Trong các khu vực này là những giáo phận đặt dưới quyền lãnh đạo của tổng Giám mục. Tất cả các khu vực của Cộng đồng Anh giáo đều thành lập các giáo phận do Giám mục lãnh đạo. Giám mục được tấn phong theo quyền kế thừa các sứ đồ. Ngoài chức Giám mục còn có linh mục (tư tế) hoặc mục sư (đối với người theo khuynh hướng Tin Lành), và chấp sự. Không có quy định nào đòi hỏi sống độc thân, mặc dù có nhiều linh mục Công giáo Anh tự nguyện sống độc thân. Kể từ giữa thế kỷ 20, tại hầu hết các khu vực, phụ nữ được phong chức chấp sự, trong một số khu vực phụ nữ được nhận chức linh mục, và Giám mục.

Giáo hội Anh, giáo hội chính thức của xứ Anh Cát Lợi, được coi là "giáo hội mẹ" trong Cộng đồng Anh giáo. Thông qua sự mở rộng của Đế quốc Anh và các hoạt động truyền giáo, các giáo hội Anh giáo được thành lập ở nhiều quốc gia trên thế giới. Anh giáo tại một số nơi như Hoa Kỳ, Scotland được biết đến với tên là Giáo hội Giám nhiệm (Episcopal), từ tiếng Latinh episcopus, có nghĩa là "giám mục", có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa là người coi sóc, hay quản trị. Tên gọi này ngụ ý giáo hội được quản trị theo thể chế Giám mục. Mỗi giáo hội cấp quốc gia được đặt dưới quyền lãnh đạo của một Tổng Giám mục, hoặc Giám mục chủ tịch (Presiding Bishop) như trong trường hợp của Giáo hội Giám nhiệm Hoa Kỳ. Giáo hội quốc gia được chia thành các giáo phận, giữa hai cấp bậc này có thể còn có bậc trung gian nữa là giáo tỉnh, thường tương ứng với địa giới hành chính của các tiểu bang hoặc các tỉnh.

Các hội đồng của giáo hội được thiết lập trên ba cấp: hội đồng tín hữu (quy tụ những đại biểu từ các giáo sở), hội đồng chức sắc, và hội đồng Giám mục. Giáo phận, không phải giáo xứ, là đơn vị hạt nhân trong cấu trúc thẩm quyền của giáo hội.

Bắt đầu từ nửa sau thập niên 1970, do bất đồng với sự lan truyền của khuynh hướng tự do trong Cộng đồng Anh giáo, nhiều tín hữu đã rời bỏ khối hiệp thông này và thành lập các giáo hội mới với phong trào Anh giáo tiếp diễn (Continuing Anglican movement), tự xem mình là bảo lưu tính tông truyền, đức tin và thực hành Anh giáo truyền thống.

Tổng Giám mục Canterbury

Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury thứ 105

Tổng Giám mục Canterbury giữ vị trí danh dự trong Cộng đồng Anh giáo. Giữa giới lãnh đạo của Cộng đồng, ông được nhìn nhận là primus inter pares (đứng đầu giữa những người bình đẳng), và không có quyền hạn nào đối với các khu vực bên ngoài nước Anh. Justin Welby trở thành Tổng Giám mục Canterbury thứ 105 vào lễ nhậm chức cử hành tại Nhà thờ chính tòa Canterbury ngày 21 tháng 3 năm 2013.

Tổng Giám mục Canterbury tổ chức và chủ tọa các Hội nghị Lambeth của Cộng đồng Anh giáo, ông là người quyết định danh sách các Giám mục được mời tham dự Hội nghị. Ông cũng chủ tọa những Tọa đàm Lãnh đạo Cộng đồng Anh giáo (những buổi gặp mặt giữa những người đứng đầu các giáo hội thành viên). Ông cũng đảm nhiệm chức vụ chủ tịch ban thư ký của Văn phòng Cộng đồng Anh giáo, và Hội đồng Tư vấn Anh giáo.

Các hội nghị

Cộng đồng Anh giáo không có thẩm quyền toàn cầu. Tất cả các tổ chức quốc tế của cộng đồng chỉ có chức trách tư vấn và hợp tác, những nghị quyết của các tổ chức này không có giá trị ràng buộc pháp lý đối với các giáo hội thành viên. Hiện có ba tổ chức chính của Cộng đồng:

  • Hội nghị Lambeth là tổ chức tư vấn quốc tế lâu đời nhất của Cộng đồng. Lần đầu tiên được Tổng Giám mục Longley triệu tập năm 1867 như là một diễn đàn để các Giám mục trong Cộng đồng "thảo luận về những lợi ích thiết thực, và công bố điều chúng tôi xem là những nghị quyết thích hợp định hướng cho những hoạt động của chúng ta trong tương lai." Từ đó, Hội nghị Lambeth được tổ chức mười năm một lần.
  • Hội nghị Lambeth năm 1968 quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn Anh giáo. Được triệu tập hai năm một lần, Hội đồng có các đại biểu là Giám mục, mục sư, và tín hữu được chọn lựa từ 38 khu vực. Hội đồng có ban thư ký thường trực, Văn phòng Cộng đồng Anh giáo, mà Tổng Giám mục Canterbury là chủ tịch.
  • Tọa đàm Lãnh đạo Anh giáo là diễn đàn quốc tế dành cho những người đứng đầu các khu vực. Thành lập năm 1978 bởi Tổng Giám mục Donald Coggan như là một dịp tiện để "đàm đạo, cầu nguyện, và thảo luận sâu".[2]